Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) là một công nghệ đột phá của cuộc cách mạng 4.0 và dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt của những thập kỷ tới, nhiều quốc gia đã ứng dụng vào việc điều hành chính phủ. Các nhà điều hành kinh tế Việt Nam cũng khẳng định, sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý công nghệ blockchain, tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ này cho phát triển kinh tế, xã hội. Sau đây xin điểm qua 5+ ứng dụng blockchain trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục, y tế, xã hội…
1. Đối với sản xuất
Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trước kia mất nhiều thời gian và tính chính xác không cao. Nhưng với đặc tính minh bạch, bất biến, không thể làm giả, không thể phá huỷ các chuỗi blockchain, việc ứng dụng blockchain vào ngành công nghiệp sản xuất giúp người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm và dễ dàng truy xuất thông tin của sản phẩm. Với các ứng dụng warranteer, blockpoint và loyyal của blockchain đã tạo những lợi ích thiết thực cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Đối với nhà sản xuất, ứng dụng công nghệ blockchain giúp việc thống kê và lưu trữ thông tin, dữ liệu về sản phẩm trở nên đơn giản, thuận tiện và đảm bảo tính chính xác cao.
2. Đối với lĩnh vực y tế
Với phiên bản thiết kế và giám sát hoạt động, blockchain 3.0 đã đưa công nghệ blockchain lên tầm cao mới, mở rộng lĩnh vực ngành nghề ứng dụng blockchain ngoài tài chính, kinh doanh sản xuất.
Ứng dụng blockchain vào lưu giữ hồ sơ sức khoẻ của người bệnh với đặc tính bảo mật dữ liệu giúp cho người bệnh truy xuất thông tin về các chỉ số và kết quả xét nghiệm, phác đồ điều trị, tiền sử bệnh, kiểm soát hồ sơ bệnh án,… trên chuỗi blockchain khi cần thiết, tại bất cứ hệ thống khám bệnh khác nhau. Từ những thông tin đó, các trung tâm sức khỏe sẽ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị tích cực cho người bệnh.
3. Đối với giáo dục
Ứng dụng blockchain vào giáo dục giúp xây dựng được hệ thống quản lý chặt chẽ, bảo mật và tiết kiệm chi phí để xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu của các trường học nói riêng và hệ thống giáo dục quốc gia nói chung. Nếu áp dụng blockchain để quản lý hồ sơ học viên, hệ thống và chương trình đào tạo, chứng chỉ, bằng cấp…sẽ tạo ra tính minh bạch, giúp truy xuất nguồn gốc cơ sở đào tạo hoặc quá trình học tập của các học viên đối với các nhà tuyển dụng lao động. Hiện nay một số trường trên thế giới đã cho học sinh học blockchain như một môn học bình thường, điều này giúp các em tiếp xúc sớm với công nghệ ưu việt này.
4. Đối với ngành tài chính
Công nghệ blockchain ứng dụng vào ngành tài chính tạo ra mạng lưới giao dịch liên ngân hàng bảo mật, an toàn, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Nhận thấy được tính ưu việt của blockchain, hiện nay, các tổ chức tài chính đang đẩy mạnh sự hình thành các liên minh để thương mại hóa công nghệ blockchain. Ví dụ: Liên minh R3 của 3 ngân hàng lớn của Austraylia cùng 40 ngân hàng và các tổ chức tài chính khắp thế giới.
Với việc triển khai hàng loạt các ứng dụng blockchain như: Bitcoin Atom, Ripple, ABRAA, Aeternity, Smart Valor, Circle…đã mở ra một nền tảng giao dịch điện tử toàn cầu đơn giản và dễ tiếp cận cho mọi đối tượng bằng cách kết nối các ngân hàng, doanh nghiệp với nội dung trao đổi bằng kỹ thuật số, cho phép giải quyết kịp thời trên toàn thế giới.
5. Đối với thương mại điện tử
Khi xu hướng toàn cầu hóa đang hình thành mạnh mẽ, sẽ có sự dịch chuyển khổng lồ từ thị trường bán lẻ hiện nay sang bán hàng online, để đón đầu ngành kinh doanh tiềm năng này, các doanh nghiệp phải biết tận dụng lợi thế về thương hiệu và phát triển mảng thương mại điện tử để duy trì vị trí hiện có và đạt thành công. Những thách thức này có thể được xử lý bằng “smart contract” (hợp đồng thông minh) của blockchain nhằm giảm chi phí hệ thống phân phối, tạo lòng tin của khách hàng đồng thời mở rộng thị trường, hợp tác các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm với thủ tục đơn giản và thời gian rút ngắn.
6. Một số ứng dụng khác của blockchain
6.1. Lưu trữ đám mây
Kết hợp ứng dụng blockchain với hệ thống lưu trữ đám mây phi tập trung, có tính an toàn cao hơn, với việc mã hoá và phân tán không gian lưu trữ trống trên các máy tính thành viên của mạng lưới, tạo ra không gian ổ cứng với dung lượng gấp 300 lần so với lưu trữ đám mây truyền thống.
6.2. Bỏ phiếu điện tử
Sử dụng hệ thống bầu cử dựa trên ứng dụng blockchain giúp cử tri kiểm tra phiếu bầu của mình được gửi thành công không nhưng vẫn duy trì tính bảo mật về danh tính cho cử tri. Từ đó, người dân sẽ tin tưởng và tham gia vào bầu cử, tăng tỷ lệ cử tri bỏ phiếu.
6.3. Hoạt động thiện nguyện
Theo thống kê, có trên 40% số người khảo sát không tin vào hoạt động này, với việc kết hợp ứng dụng blockchain sẽ đem đến sự minh bạch bằng cách chia sẻ dự án, thông tin tài chính với hợp đồng thông minh và mã hoá tiền tệ.
Trong tương lai không xa, ứng dụng blockchain sẽ làm thay đổi đời sống con người theo hướng tích cực. Theo Forbes, Việt Nam sẽ có thể là trung tâm blockchain của khu vực, vì vậy cần xây dựng một lộ trình đúng đắn, ngăn ngừa rủi ro, khuyến khích phát triển với sự điều tiết và giám sát theo khung pháp lý chặt chẽ.